CÔNG TY TƯ VẤN DU HỌC CẦU XANH

Vì thanh niên Việt Nam du học để lập nghiệp

Tìm việc làm ở Singapore, dễ hay khó?

Điều chỉnh kích thước chữ

Đây là một bài viết dài, vì câu trả lời không phải là dễ hay khó, mà chỉ là … KHÔNG ĐƠN GIẢN thôi.

Bạn nào thật sự tò mò thì nên đọc hết, vì hữu ích lắm nha! Đây là chia sẻ hết lòng hết dạ từ chuyên viên tư vấn du học của Cầu Xanh đó, chắc chắn các bạn sẽ rút được những kinh nghiệm quý báu từ chia sẻ của chúng mình. Rồi nếu muốn du học Singapore thì chọn Cầu Xanh chúng mình làm đồng hành nha!

Singapore là một đất nước công nghiệp, phát triển với tốc độ chóng mặt. Việc đó là không phải bàn rồi. Vấn đề chính là tính cạnh tranh cao của đất nước này.

(Ảnh mình, váy trắng hàng 2, chụp với các bạn cùng phòng trong ngày cuối cùng còn học cùng nhau).

Chi phí thuê nhà, mua nhà đắt đỏ. Người dân ở Sing thì phải trên 35 tuổi mới được mua nhà, trừ khi đã có gia đình trước đó. Chính vì dân số tăng cao, đất thì chật hẹp, nên mức sống bị quản lý chặt chẽ như vậy đấy.

Du học sinh, người nước ngoài, rồi đến người dân đều phải gật đầu, bảo, “Có tiền mới sống được ở đây”. Cái đó là đúng. Tuy nhiên, quan trọng là ở cách nhìn của mỗi người. Có người nhìn vào câu nói ấy một cách tiêu cực (Rất buồn là đại bộ phận dân số sinh sống, du học, làm việc ở đó đều nhìn theo cách này). Vì vậy mà cứ đi đâu, ngồi đâu, là nghe thấy than phiền, ngắm những gương mặt tối sầm vì áp lực công việc, áp lực xã hội. Mặt khác, có những người lạc quan hơn, nhìn vào đây như là một lối giải quyết (solution) thì họ sẽ có động lực phấn đấu hơn.

Có tiền không có nghĩa là làm nhiều. Có tiền có nghĩa là làm việc hiệu quả. Hiệu quả ở lựa chọn, mục đích, phương thức tìm việc, làm việc và cách tư duy ở chính bạn. Hãy nhìn vào chính đất nước Singapore mà học tập. Một đất nước trẻ, thành lập với tuổi đời vỏn vẹn có hơn 50 năm, nhắc đến con số này ai cũng ngỡ ngàng, thế mà từ một làng chài, trở thành Financial Hub (trung tâm tài chính) NÓNG của thế giới.

50 năm, số phận, tương lai của những người chài cá đã thay đổi với tốc độ chóng mặt. Giờ đây, người dân Singapore, ai ai cũng có học thức cao, có giáo dục quốc tế, có công ăn việc làm, có cơ hội tốt. Chính để không bị đào thải khỏi guồng quay tốc độ này, họ phải phấn đấu tốt lên hàng ngày. Để làm được điều này, chẳng lẽ có nhiều thời gian rảnh, ngồi than phiền, trách móc thôi sao? Phải có sự chủ động, hệ thống, tư duy thông minh, phương thức và công cụ hiệu quả thì đất nước này và con người ở đó mới tăng trưởng kinh khủng được như vậy.

Hồi còn du học ở Sing, trước khi ra trường, mình học trường tư (Kaplan Singapore), xin việc làm chật vật lắm, mặc dù đây là một trường có tỉ lệ sinh viên có việc làm và lương cao trong số các trường tư thục. Với học sinh trường công và chỉ một số ít trường tư là được xin việc làm, dễ cấp giấy phép làm việc hơn thôi. Còn với đa phần trường tư thì học sinh sẽ khó kiếm việc hơn (công ty sẽ phải trả thuế cho các bạn).

(Du học Cầu Xanh là đại diện tuyển sinh xuất sắc của Kaplan Singapore)

Năm đó là 2014-2015. Nếu là 5-10 năm trước, chính phủ Sing còn khuyến khích du học sinh đến học tập, định cư. Còn tại thời điểm của mình, dân Sing than phiền nhiều quá, bảo người nước ngoài (foreign talents) lấy hết jobs của họ. Nhưng thực tế đó là vì dân Sing, họ không hài lòng với mức lương dưới 3000 SGD. Nếu họ không muốn thì tại sao chúng ta không lấy nhỉ? Thế mà xong! Chính phủ ra Quota, một công ty thuê nhân sự 9 người, thì 8 người phải là người bản địa, 1 người mới là người nước ngoài (tớ đó). Khổ chưa. Một thời gian đen tối.

Tuy trong thời gian học mình cũng có 2 tháng đi thực tập R&D (nghiên cứu & phát triển thị trường) chui ở công ty khá là lớn của Nhật, tên là Hakuhodo (tập đoàn phụ trách buôn bán, xuất khẩu ô tô), xin việc vẫn khó đến mức chảy nước mắt, đi đi về về giữa Sing và Việt Nam trong mấy tháng liền.

Singapore là cùng Đông Nam Á với mình, cho nên không cần làm Visa gì cả, tuy nhiên cũng có các loại thẻ với giá trị tương đương, như là Work permit, S-Pass, EP-Pass (tương ứng với mức lương) để cấp cho người nước ngoài. Nếu chưa có cái đó thì mình chỉ được giấy tờ Du lịch cho phép ở lại max 30 ngày thôi (áp dụng cho người Việt), cũng có thể gia hạn nhưng mình cũng chỉ gia hạn ở lại được 2 tuần (có thể là 3 tuần nếu cung cấp được lí do chính đáng). Học xong cái là phải trả thẻ Student Pass (thẻ học sinh) và chỉ được ở lại 30 ngày như dân du lịch thôi. ICA (cơ quan nhập cảnh của Sing) khá là nghiêm túc và chặt chẽ trong vấn đề này. Mình đi đi lại lại 3 tháng liền, lần nào hải quan ở Sân bay cũng hỏi. Mình cũng chỉ nói thật là vừa mới tốt nghiệp ở Sing, muốn đi tìm việc làm và họ cho qua, không làm khó mình. Thiết nghĩ, phải có lí do thì mới bị chặn lại chứ hải quan không thể thích làm gì thì làm được.

Chạy nước rút!

Trong thời gian ngắn ngủi 30 ngày mỗi đợt (3 lần chạy đi chạy lại giữa Sing và Việt), mình liên hệ tứ tung bạn bè, cố vấn, giáo viên của trường, công ty môi giới việc làm, tham gia các hội người Việt, hội tìm việc làm ở Sing trên FB và câu lạc bộ của trường. Đến lúc nản, muốn từ bỏ thì cuối cùng cũng được 1 cuộc gọi phỏng vấn, vâng, đúng 1 cuộc gọi phỏng vấn (siêu lâu và siêu khó - người ta nhìn hồ sơ của người nước ngoài, điển hình là người Việt là họ quay mặt đi ngay). Và mình đã được phỏng vấn bởi Apple. Apple muốn mình apply vào bộ phận Chăm sóc khách hàng của họ (mình học ngành Quản lý mà). Họ cần người nói được tiếng Việt và tiếng Anh tốt, chăm sóc khách hàng Việt được. Coi như vòng 1 phỏng vấn qua điện thoại đã pass. Bây giờ còn vòng 2 là đến trụ sở của họ để phỏng vấn.

Chuẩn bị cho những việc... không ngờ tới!

Nếu nhớ không nhầm thì trụ sở Apple hồi đó là ở Ang Mo Kio (tóm lại là khu vực line đỏ). Trước phỏng vấn mấy hôm mình ôn luyện kĩ lắm. Mình tra hết các câu hỏi phỏng vấn của Apple trên mạng (hihii), cố gắng trả lời một cách ngắn gọn, chiến lược nhất, và đương nhiên có đứa bạn cùng nhà giả làm người phỏng vấn rồi. Cho đến hôm phỏng vấn, mình tự tin lắm, cơ hội là dành cho mình. Xong khi đến thì ngã ngửa, hóa ra phỏng vấn bằng TIẾNG VIỆT. Trời ơi, mấy ngày nay toàn luyện trả lời bằng tiếng Anh. Hồi đó 3 năm trời mình chả tiếp xúc mấy với người Việt bên đó, quên tiếng Việt nhiều, câu cú lủng củng. Thôi, mình tự nhủ phải giữ bình tĩnh, phải bình tĩnh và thoải mái thì mới có thể trả lời tốt được. Quả thật vậy, các câu hỏi của nhà tuyển dụng, đều là những câu mình đọc và chuẩn bị từ trên mạng.

Cho đến phần thi thử thách, nhận cuộc gọi để tư vấn cho khách hàng Việt, quảng cáo sản phẩm Apple Care, mình thấy thật tuyệt vời vì mình đã tìm hiểu dịch vụ này trước khi phỏng vấn, vì mình cũng có để ý Apple thời điểm đấy luôn tư vấn khách hàng đăng ký thêm dịch vụ này và cũng đã thử gọi cho bộ phận tư vấn của Apple, đặt tình huống để nghe xem họ trả lời thế nào. Trời ơi, cảm giác thật sung sướng, mặc dù tiếng Việt của mình không trôi chảy như mong muốn. Nhưng sự chuẩn bị kĩ quá mức cần thiết, óc quan sát của mình đã pay-off, Apple đã tuyển mình vào làm Chăm sóc khách hàng và mình đã làm ở đó được 1 năm trước khi về VN. Hồi đó nhân viên còn được mua Apple Watch giá ưu đãi nữa chứ (không nhớ là giảm 40 hay 60% nữa). Lại có cơ hội xin EP-Pass (những ai có thẻ này, sau 4-5 năm làm việc có thể xin nhập cư). Một khởi đầu đầy phấn khởi cho sinh viên mới tốt nghiệp!

Bài học ở đây đó là, nếu muốn đạt được cái gì, thì phải nỗ lực. Tuy nhiên chỉ nỗ lực không đủ. Phải nỗ lực một cách có kế hoạch, có tìm hiểu, có quan sát và có tư duy. Nhất là càng ở một môi trường càng cạnh tranh, càng nhiều khó khăn, nó lại đòi hỏi mình càng phải chủ động, năng động, biết lên kế hoạch, biết quản lý thời gian và phấn đấu ngày đêm, 200% một cách hiệu quả. Nếu bạn quyết tâm, thì môi trường cạnh tranh cao chính là nơi tôi luyện bạn và giúp bạn phát triển một cách tự hào nhất đấy. Than phiền khó thì để làm gì đâu. Hãy khiến mọi hoàn cảnh có lợi cho mình.

Tìm việc khó, là vì môi trường. Có kiếm được việc hay không, là ở bạn. Mỗi nước một chính sách. Tìm việc ở Singapore tuy căng thẳng như vậy, nhưng bạn nên nhớ rằng luôn luôn có chỗ cho nhân tài.

Singapore là một đất nước trẻ, đa văn hóa, phát triển nhanh, được rất nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài đầu tư vào! Họ CẦN những nhân tài quốc tế! Bạn muốn họ tuyển dụng bạn, bạn phải chứng minh cho họ là bạn có tài. Mà nhân tài thì không tự dưng mà có. 99% là nỗ lực, 1% mới là may mắn. Đừng đòi hỏi gì khi bạn chưa có nỗ lực xứng đáng.

Du học là một cơ hội tuyệt vời. Du học sinh nhiều bạn nghĩ là sướng, nhưng thực ra là khổ đấy. Khổ vì nhiều gian nan thử thách. Nhưng là để các bạn chinh phục nó. Có chinh phục nó thì mới có thành công, phải không nào? Câu nói quen thuộc ở nước ngoài, "If there is a will, there is a way." Có ý chí thì sẽ có luôn có cách thực hiện. Đây là câu chuyện của mình.

Với bạn nào quan tâm thì có thể hỏi han, nói chuyện với mình. Hiện giờ mình đã về nước và làm việc tại Du học Cầu Xanh. Mình sẽ lắng nghe và phân tích trường hợp của bạn, sẽ đưa ra cho bạn những lời khuyên hữu ích hơn nhé. Tuy đã là cựu du học sinh nhưng mình vẫn luôn đồng cảm với khó khăn của các bạn, và vui khi có thể cùng các bạn vượt qua nó.

Cầu Xanh, cầu nối vững chắc giữa gia đình, phụ huynh và HSSV trong suốt quá trình du học.

VÌ THANH NIÊN VIỆT NAM DU HỌC ĐỂ LẬP NGHIỆP.

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, xin bạn chia sẻ bài viết này đến bạn bè và những người thân nhé. Du học Cầu Xanh xin chân thành cảm ơn.

Cung cấp dịch vụ tư vấn & hỗ trợ du học tại nhà hay đến tận nơi theo yêu cẩu của Sinh viên và gia đình, hoàn toàn miễn phí. Cầu Xanh tìm cho bạn cơ hội du học có lợi nhất như giảm học phí, học bổng, việc làm... Tôn chỉ hoạt động của chúng tôi là vì thanh niên Việt Nam du học để lập nghiệp. Hãy theo dõi những chia sẻ cực hữu ích từ Du học Cầu Xanh bạn nhé!

Nathan

Bài viết hay quá ad ạ. Đúng điều mình đang tìm kiếm, một cách tổng quan việc sang Sing làm việc với người Việt sẽ như thế nào. Nhờ ad tư vấn mình thêm nhé.

Gủi lúc 2023/09/18 02:15:10

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xếp hạng bài viết này