Nếu được hỏi người Thụy Sỹ có đức tính gì? Tôi sẽ không do dự trả lời rằng “Tín”.
Ngày nay có thể dễ dàng tìm được minh chứng về chữ tín của người Thụy Sỹ qua những chiếc đồng hồ tốt nhất thế giới, những chuyến tàu không chậm 1 phút, hay những cuộc hẹn không bao giờ sai giờ… Thụy Sỹ là “két sắt” mà cả thế giới tin tưởng gửi tiền, là địa điểm tổ chức của những lễ ký kết hiệp định hòa bình, là nơi mà các bên chọn để đặt nền móng cho niềm tin.
Thế nhưng không phải tự nhiên mà người Thụy Sỹ được cả thế giới tín nhiệm, đó là cả quá trình được xây dựng bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu, qua hàng trăm năm lịch sử.
Thời trung cổ, Thụy Sỹ là một trong những nước nghèo nhất châu Âu. Vùng đất mà ngày nay là Thụy Sỹ bị kìm kẹp bởi các quốc gia hùng mạnh như Đức, Pháp, Ý. Tài nguyên thiên nhiên không có gì ngoài núi đá. Chăn nuôi hay trồng trọt đều khó. Có thể nói, nam giới Thụy Sỹ lúc đó chủ yếu sống bằng nghề… đánh thuê. Qua đó, họ chui rèn đức tính gan góc, lì lợm, kỷ luật, và trên hết là uy tín. Thương hiệu “thà chết chứ không phản bội khách hàng” được khẳng định, để từ đó, họ làm giàu quốc gia bằng các nghề dịch vụ, thương mại và tài chính.
Trong lịch sử có rất nhiều sự kiến khiến các nước khâm phục chữ tín của người Thụy Sỹ, nổi tiếng nhất có lẽ là trận chiến bảo vệ Giáo hoàng năm 1527 và bảo vệ vua Louis 16 năm 1792.
Lúc này, Giáo hoàng Clement VII và đồng minh Pháp đang có chiến tranh với quân đội của Holy Roman Emperor (Hoàng đế La Mã). Quân La Mã cuối cùng đã chiến thắng, nhưng lại không có tiền để trả lương cho binh lính. 20.000 quân La Mã, đã ép chỉ huy của họ là Charles III (Công tước xứ Bourbon) nổi loạn và tràn về Rome cướp phá để bù vào lương bị nợ.
Tranh mô tả sự kiện Sack of Rome của họa sỹ Johannes Lingelbach
Đó là ngày 6/5/1527, thành Rome lúc này được bảo vệ bởi 5000 dân quân và 189 vệ binh Thụy Sỹ do Giáo hoàng thuê.
Trong trận chiến, Công tước Charles không may trúng tên và tử thương. Cái chết của ông, người được kính trọng và cũng là người cuối cùng trong quân đội có một chút tiếng nói để kiềm chế binh lính, đã khiến quân La Mã càng khát máu hơn. Họ đã phá tan phòng tuyến và tràn vào Rome ngay ngày hôm đó. Cảnh tượng cướp phá, giết chóc diễn ra khắp nơi.
Tất nhiên, 5000 dân quân tan rã nhanh chóng và dẫn đến sự kiện Cuộc tử thủ của vệ binh Thụy Sỹ (Stand of the Swiss Guard).
Lính Thụy Sỹ tổ chức phòng tuyến tử thủ cuối cùng tại Nhà mồ Teutonic, trong Vatican. Đội trưởng của họ, Kaspar Roist (vị chỉ huy thứ 3 của Đội cận vệ Thụy Sỹ cho Giáo Hoàng), bị thương nặng, và sau đó bị hành quyết ngay trước mặt vợ ông. Những vệ binh Thụy Sỹ chiến đấu dũng cảm, nhưng bị áp đảo hoàn toàn về quân số, nên dần bị tàn sát đến người cuối cùng. Chỉ còn một nhóm 42 người, dưới sự chỉ huy của Hercules Goldli, tháp tùng Giáo hoàng, đánh bật được đội quân Habsburg đang truy sát, mở đường máu tới pháo đài Castel Sant’Angelo qua đường hầm bí mật Passetto di Borgo.
Pháo đài Castel Sant'Angelo
Để tưởng nhớ sự dũng cảm vô song của người Thụy Sỹ, Giáo hoàng lập nên Đội cận vệ Thụy Sỹ cho Giáo hoàng (Pontificia Cohors Helvetica). Đội cận vệ này chỉ tuyển nam giới Thụy Sỹ, đang độc thân, có hạnh kiểm tốt. Lễ kết nạp được tổ chức vào ngày 6/5 hàng năm. Người ta cho rằng trang phục của Đội vệ binh Thụy Sỹ được chính họa sỹ nổi tiếng Michelangelo thiết kế, mặc dù còn rất nhiều người phản đối, nhưng chắc chắn nó là bộ đồng phục lâu đời nhất thế giới.
Ngày 6/5 hàng năm trở thành ngày tuyên thệ kết nạp của các thành viên Đội cận vệ Thụy Sỹ của Giáo Hoàng
Christoph Graf (phải), chỉ huy thứ 35, trong lễ tuyên thệ nhậm chức năm 2015
Lương của lính cận vệ Thụy Sỹ vào khoảng EUR1300 (miễn thuế). Con số này thấp hơn nhiều so với lương cơ bản của người Thụy Sỹ, thế nhưng, phục vụ trong Đội cận vệ là một vinh dự lớn lao mà hầu như ai cũng mong muốn.
Năm 1792, Cách mạng Pháp bùng nổ, nhân dân Pháp nổi dậy đòi phế truất vua Louis 16, buộc nhà vua phải chạy từ Vesailles về cung điện Tuileries.
Cuộc tấn công cung điện Tuileries diễn ra từ 8h sáng ngày 10/8/1792. Đáp trả lại lời kêu gọi đầu hàng, lính Thụy Sỹ nói “Chúng tôi là người Thụy Sỹ, người Thụy Sỹ thà buông mạng sống, chứ không buông vũ khí. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi không chịu được sự sỉ nhục ấy. Nếu trung đoàn vệ binh không còn cần thiết, nó cần được giải giáp đúng luật. Nhưng chúng tôi sẽ không rời bỏ vị trí, cũng như không để bị tước đoạt vũ khí”.
Lính Thụy Sỹ tử thủ tại lâu đài Tuileries
Có khoảng 600 lính Thụy Sỹ đã hi sinh ngày hôm đó. Khoảng 160 lính chết vì bị thương, hoặc bị tàn sát vào Sự kiện tháng 9 diễn ra sau đó. Gần 100 lính thoát ra khỏi cung điện và được che giấu bởi những người dân Paris thì còn sống sót.
Lần này, lính Thụy Sỹ đã không thể bảo vệ được thân chủ của mình là vua Louis 16, nhưng một lần nữa, họ cũng đã làm tròn trách nhiệm của mình với khách hàng cho đến giọt máu cuối cùng.
Để tưởng nhớ sự kiện này, tượng đài Sư tử hấp hối trên biểu tượng vỡ tan của Hoàng gia Pháp được dựng lên năm 1821 tại thành phố Luzern. Tượng đài ghi tên 26 sỹ quan Thụy Sỹ hi sinh ngày 10/8 và ngày 2-3/9 năm 1792, cũng như ghi nhận sự anh dũng hi sinh của 760 binh lính.
Tượng đài Sư tử tại thành phố Luzern, Thụy Sỹ
Trên cùng ghi dòng chữ Helvetiorum Fidei ac Virtuti (Tưởng nhớ sự trung thành và dũng cảm của người Thụy Sỹ). Con sư tử được khắc họa đang hấp hối do bị một mũi giáo đâm vào, vẫn dùng chút sức lực cuối cùng để ôm lấy tấm phù điêu fleur-de-lis (biểu tượng của Hoàng gia Pháp), bên cạnh là tấm khiên của lính Thụy Sỹ. Đại văn hào Mark Twain ca ngợi bức tượng là "tảng đá gây xúc động và đau buồn nhất thế giới".
Là đại diện của hầu hết các trường du lịch khách sạn tại Thuỵ Sỹ, đồng thời có thành viên có quốc tịch Thuỵ Sỹ, am hiểu về Thuỵ Sỹ, Cầu Xanh sẽ mang đến cho Quý phụ huynh và các bạn HSSV những thông tin tư vấn chất lượng. Một dịch vụ “coaching” hoàn hảo từ A đến Z về du học Thuỵ Sỹ.
Du học BB Cầu Xanh – cầu nối vững chắc giữa gia đình, nhà trường và HSSV trong suốt quá trình du học.
VÌ THANH NIÊN VIỆT NAM DU HỌC ĐỂ LẬP NGHIỆP.
Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, xin bạn chia sẻ bài viết này đến bạn bè và những người thân nhé. Du học Cầu Xanh đội ơn bạn